Yến sào là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Việc biết rõ ai không nên ăn yến sào giúp bảo vệ sức khỏe và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 chia sẻ trên Báo Vietnamnet rằng, tổ yến hay yến sào, chứa nhiều loại axit amin cùng các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, natri, kẽm,… rất tốt cho sức khỏe.
Tổ yến có tác dụng tăng sức đề kháng, phục hồi chức năng phổi sau bệnh, chống suy nhược, cải thiện tiêu hóa, kích thích vị giác và tăng cường hấp thu dinh dưỡng. Với hàm lượng axit amin cao, tổ yến còn hỗ trợ phục hồi tổn thương bị nhiễm độc, kích thích sản sinh hồng cầu, tăng cân và ổn định chỉ số huyết học trong cơ thể.
Tuy nhiên, bác sĩ Như khuyến cáo không phải ai cũng nên ăn yến sào.
Ai không nên ăn yến sào?
Người bị viêm nhiễm cấp tính
Người mắc các bệnh như viêm da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm đường tiết niệu,… không nên sử dụng yến sào. Vì lúc này cơ thể đang yếu, nếu phải tiêu hoá các thực phẩm có tính bình như tổ yến sẽ khiến vi khuẩn, virus có cơ hội sinh sôi và phát triển, dẫn đến bệnh dai dẳng mãi không khỏi.
Trẻ nhỏ dưới 7 tháng tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ ở độ tuổi này chưa phát triển toàn diện, khiến việc hấp thu dưỡng chất từ yến sào khó khăn và dễ gây táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
Người tiêu hóa kém, đau bụng, đầy bụng
Những người thuộc trường hợp này cũng không nên ăn yến sào, do tính bình của yến có thể khiến bụng lạnh hơn, gây tiêu chảy, buồn nôn. Nếu cơ thể đang trong tình trạng xanh xao, gầy yếu hoặc suy dinh dưỡng, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm khác phù hợp hơn để cải thiện sức khỏe.
Người cảm mạo, sốt
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người đang trong quá trình hồi phục sau bệnh nên bổ sung yến sào, ngoại trừ trường hợp mắc bệnh cảm mạo hoặc sốt. Vì những người đang mắc bệnh này, cơ thể cần tập trung đào thải độc tố, người bệnh nên ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa. Việc nạp quá nhiều dưỡng chất vào thời điểm này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị suy dương, tiểu trong
Bệnh lý này khiến cơ thể suy nhược nhanh chóng, làm giảm khả năng hấp thụ các thực phẩm giàu dưỡng chất như tổ yến. Vì vậy, người mắc bệnh này cũng không nên ăn yến sào.
Phụ nữ mang thai dưới 3 tháng và phụ nữ mới sinh
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn yến sào để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi. Từ tháng thứ 4 trở đi, khi hệ miễn dịch thai nhi ổn định, mẹ có thể dùng yến sào để bồi bổ sức khỏe.
Phụ nữ mới sinh cơ thể còn lạnh không nên ăn yến sào để tránh tiêu chảy. Sau 1 tháng, có thể sử dụng một lượng nhỏ yến sào. Tuyệt đối không ăn quá nhiều vì có thể dẫn đến dư thừa đạm, tăng cân mất kiểm soát hoặc gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Liều lượng ăn yến sào hợp lý
Liều lượng sử dụng yến sào tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của từng người:
- Trẻ em từ 1 – 4 tuổi: 1 – 2g tổ yến/ngày.
- Trẻ em từ 4 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, người trẻ tuổi: 2 – 3g yến tinh/ngày.
- Người già, người có sức đề kháng yếu, người mắc bệnh mãn tính: 3 – 4g yến/ngày.
Việc hiểu rõ những đối tượng không nên ăn yến sào sẽ giúp chúng ta sử dụng thực phẩm này một cách an toàn và hiệu quả. Để đảm bảo sức khỏe, hãy luôn tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bổ sung yến sào vào chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là đối với những người có điều kiện sức khỏe đặc biệt.
Nguồn: Tổng hợp